Ngày 17/12 tại Hà Nội, Hội Cảng – Đường thủy – Thềm lục địa Việt Nam (VAPO) đã tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI và Lễ kỉ niệm 35 năm ngày thành lập (1987-2022). GS.TSKH. Nguyễn Ngọc Huệ được bầu giữ chức Chủ tịch Hội.
Thành tựu 35 năm ngành Cảng – Đường thủy – Thềm lục địa
Hội Cảng – Đường thủy – Thềm lục địa Việt Nam (VAPO) được thành lập từ năm 1987, nay thuộc Tổng Hội Xây dựng Việt Nam. Từ ngày đầu thành lập với một số ít tổ chức và cá nhân, đến nay VAPO không ngừng phát triển với gần 70 hội viên tập thể và trên 100 cá nhân là các nhà khoa học, các nhà chuyên môn có bề dày kinh nghiệm hoạt động trong ngành và 1 hội viên Liên kết là doanh nghiệp nước ngoài Nikken Kogaku (Nhật Bản).
Ông Nguyễn Ngọc Huệ, Chủ tịch VAPO.
Ông Nguyễn Ngọc Huệ, Chủ tịch VAPO khẳng định, 35 năm qua, cùng với sự phát triển chung của Ngành Cảng Đường thủy Việt Nam, Hội Cảng - Đường thủy - Thềm lục địa Việt Nam cũng đạt được mốt số thành tựu quan trọng trong lĩnh vực nghề nghiệp chuyên ngành.
Là hội KHKT chuyên ngành trong lĩnh vực xây dựng công trình cảng biển, cảng sông, luồng tàu hàng hải, luồng tàu thủy nội địa, nhà máy đóng sửa chữa tàu, các công trình trên đảo và thềm lục địa. VAPO là thành viên của Tổng hội Xây dựng VN và là thành viên của Tổ chức Cảng - đường thuỷ thế giới (PIANC).
VAPO tập hợp các nhà khoa học, các tổ chức bao gồm các cơ quan quản lý nhà nước, các ban quản lý dự án, viện nghiên cứu, cơ sở giáo dục đào tạo, tư vấn khảo sát thiết kế, nhà thầu thi công, nhà sản xuất và cung ứng vật liệu trong lĩnh vực cảng - đường thủy, khai thác cảng, khai thác dầu khí…
Các Đại biểu tham dự Đại hội và Lễ kỉ niệm 35 ngày thành lập VAPO
Với vai trò là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, các chuyên gia của VAPO đã tham gia soạn thảo, góp ý thẩm tra, phản biện một số Đề án, Dự án qui mô lớn quan trọng theo yêu cầu của Bộ GTVT, Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam. Tham gia ý kiến hoàn thiện các dự thảo Luật, nghị định liên quan đến hoạt động của ngành như: Bộ Luật Hàng hải Việt Nam (sửa đổi), Luật đường thủy nội địa Việt Nam (sửa đổi)…
Tham gia Hội đồng nghiệm thu 3 quy hoạch của ngành với vai trò uỷ viên Phản biện khoa học là quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng đường thuỷ nội địa Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, Quy hoạch phát triển tổng thể hệ thống cảng cạn Việt Nam đến 2030, tầm nhìn 2050.
"Ngoài công tác phản biện khoa học, VAPO còn tham gia và phối hợp với Viện Khoa học công nghệ giao thông vận tải (KHCN GTVT) và tổ chức NILIM (Nhật bản) tổ chức nhiều hội thảo quốc tế (bằng hình thức trực tiếp, trực tuyến) các chuyên đề liên quan đến thiết kế đê chắn sóng, nạo vét và tôn tạo, bảo trì, sửa chữa công trình bến cảng, luồng Hàng hải… Tham gia thực hiện Quy hoạch chi tiết (điều chỉnh) một số cảng biển trọng điểm của Việt Nam...Cảng Hải phòng, Quảng Ninh, cảng biển Trà Vinh và cảng nước sâu Trần Đề, cụm cảng quốc tế Vũng Tàu -Thị Vải, cụm cảng thành phố Hồ Chí Minh", ông Nguyễn Ngọc Huệ, Chủ tịch VAPO nói.
Đại hội có sự tham gia của các nhà khoa học trong ngành.
VAPO đã có nhiều nghiên cứu khoa học và xây dựng tiêu chuẩn ngành như: phối hợp với Viện KHCN GTVT và tổ chức NILIM (Nhật bản) xây dựng bộ tiêu chuẩn Thiết kế, thi công và nghiệm thu công trình cảng biển; Giải pháp kỹ thuật cho kè bảo vệ bờ từ luồng Sông Hậu giai đoạn 2; Tham gia ý kiến bằng văn bản gửi Thủ tướng chính phủ với những phân tích khoa học và khách quan để chính phủ cho phép công ty cảng Hải phòng đầu tư các bến 3,4 tiếp theo tại Lạch Huyện – Hải Phòng; Góp ý kiến theo yêu cầu của BQL các Dự án Đường thuỷ nội địa về dự án kênh Chợ Gạo.
Hàng chục hội thảo, hội nghị khoa học trong nước và quốc tế ở các lĩnh vực: Phát triển hệ thống Cảng biển Việt Nam; Các yêu cầu về cảng biển và cơ sở hạ tầng kết nối phục vụ phát triển điện gió ngoài khơi Việt Nam; Chuyển đổi số trong phát triển, quản lý hạ tầng giao thông và công nghệ bê tông dự ứng lực trong xây dựng kết cấu mặt đường sân bay ở Việt Nam… đã được Hội tổ chức thành công.
Đến nay, VAPO là thành viên của Tổ chức cảng đường thuỷ thế giới PIANC và có sự hợp tác với các tổ chức KHKT quốc tế như OCDI, JOPCA, NILIM, SCOP, NIPPON KOEI, JPC, ALMEX, NIKKEN KOGAKU (Nhật Bản), HASKONING, DELF (Hà Lan) Viện Hàn Lâm khoa học Liên Bang Nga, DHI (Đan mạch), Hội KHKT công trình Hải Dương (Đài Loan- Trung Quốc) …
Ông Bùi Thiên Thu, Cục trưởng Cục đường thủy nội địa Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội VAPO.
Phát biểu tại Đại hội, ông Bùi Thiên Thu, Cục trưởng Cục đường thủy nội địa Việt Nam cho biết, với vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, Cục thường xuyên tham gia và được sự phối hợp cùng Hội VAPO rất chặt chẽ. VAPO đã hỗ trợ và tháo gỡ cho doanh nghiệp, phát huy được chức năng Hội, tổ chức các hội thảo, hội nghị khoa học rất tốt cho doanh nghiệp. Cục đường thủy nội địa Việt Nam là cơ quan quản lý nhà nước và sẽ tăng cường mối quan hệ "kiềng ba chân": cơ quan quản lý nhà nước – cơ sở đào tạo – hội, hiệp hội doanh nghiệp.
VAPO với phương châm đồng hành cùng doanh nghiệp, nhằm tháo gỡ mọi điều kiện cho doanh nghiệp phát triển thuận lợi, Hội sẽ đóng vai trò phản biện, kiến nghị chính sách giúp doanh nghiệp phát triển.
Ông Đinh Quang Thanh, Giám đốc Trung tâm ứng dụng và phát triển công nghệ xây dựng cảng thủy (Trung tâm VAPO), ủy viên thường trực ban chấp hành Hội cho biết, Trung tâm đã có nhiều nghiên cứu và đề xuất trong lĩnh vực cây dựng cảng thủy.
Ông Đinh Quang Thanh, Giám đốc Trung tâm ứng dụng và phát triển công nghệ xây dựng cảng thủy (Trung tâm VAPO), ủy viên thường trực ban chấp hành Hội VAPO.
"Vấn đề về nhân sự, các kỹ sư có chuyên ngành ở lĩnh vực cảng, đường thủy và thềm lục địa nói chung ở Việt Nam rất khan hiếm. Năm 2022, VAPO đã trao học bổng 50 triệu đồng tới Trường Đại học Xây dựng để có hỗ trợ tích cực với sinh viên có thành tích tốt trong học tập, nghiên cứu. Thời gian tới, VAPO mong muốn sẽ cùng các thành viên, doanh nghiệp trong Hội xây đựng dược quỹ học bổng, trao đúng địa chỉ tới các sinh viên học các ngành thuộc Hội. Các sinh viên này, ngoài việc nhận được học bổng sẽ có cơ hội học việc tại các doanh nghiệp thuộc VAPO từ năm thứ nhất để các em sẽ trở thành lớp nhân lực kế cận tốt nhất trong các doanh nghiệp".
VAPO nhiệm kỳ VI với 6 mục tiêu phát triển mới
Tại Đại đại hội toàn quốc lần này, VAPO đã bầu ra 17 ủy viên thường vụ Hội. Các ủy viên tiếp tục bầu ông Nguyễn Ngọc Huệ là Chủ tịch Hội Cảng – Đường thủy – Thềm lục địa Việt Nam nhiệm kỳ 2022-2027. Ông Dương Thanh Hưng là Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội. Trong nhiệm kỳ mới, VAPO đã đề ra 6 mục tiêu phát triển.
Đại diện các đơn vị thành viên Hội có thành tự xuất sắc trong nhiệm kỳ V.
Thứ nhất, chú trọng đẩy mạnh hơn nữa việc phối hợp hỗ trợ các hội viên tập thể trong Hội, cùng tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh vói các cơ quan chức năng, ứng dung khoa học công nghệ mới.
Thứ hai, duy trì và tích cực tham giam góp ý kiến, thẩm tra, phản biện xã hội trong các hoạt động liên quan đến các sửa đổi luật, tiêu chuẩn chuyên ngành, các thông tư, nghị định liên quan. Tham mưu cho các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức doanh nghiệp trong và ngoài ngành.
Thứ ba, tiếp tục phối hợp với Viện KHCN GTVT, tổ chức quốc tế NILIM, Cục Hàng hải VN, Cục Đường thủy nội địa VN...trong việc xây dựng bộ TC Thiết kế, thi công và nghiệm thu công trình Cảng biển và các tiêu chuẩn kỹ thuật khác thuộc ngành.
Thứ tư, Phối hợp vói các cơ quan chức năng. Và các đơn vị doanh nghiệp liên quan để quảng bá, hướng dẫn áp dụng các tiêu chuẩn mới được duyệt vào trong thực tế sản xuất.
Nhân dịp này, Hội VAPO đã kết nạp thành viên mới là các thành viên tập thể, cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực.
Thứ năm, đề xuất với cơ quan quản lý Nhà nước cho Hội chủ trì nghiên cứu một số đề tài khoa học kỹ thuật chuyên ngành, nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới trong thiết kế, chế tạo và thi công các sản phẩm chuyên ngành như: Các vấn đề liên quan đến việc giảm thiểu tác động ảnh hưởng của biến đổi khi hậu và nước biển dâng với việc thiết kế, quản lý, vận hành các công trình cảng, đường thủy; Các giải pháp tối ưu việc sử dụng vật liệu nạo vét trong các dự án cảng, đường thủy đảm bảo kỹ thuật an toàn và môi trường bền vững cũng như nghiên cứu các giải pháp ứng dụng công nghệ mới trong việc tính toán, thiết kế và thi công các hạng mục Thủy công ngoài khơi hướng tới các công trình sử dụng năng lượng tái tạo ven biển và thềm lục địa Việt Nam, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế biển đến 2030 tầm nhìn 2050 của Chính phủ.
Thứ sáu, tăng cường quan hệ với các hiệp hội KHKT chuyên nghành khác trong Liên hiệp hội KHKT Việt Nam thông qua các buổi tọa đàm chuyển đề, hội thảo trong nước và quốc tế.
Duy trì và đẩy mạnh hơn nữa quan hệ với các tổ chức quốc tế, các đối tác thuộc lĩnh vực liên quan như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hà Lan, Đan Mạch, Bỉ, Mỹ và các nước trong khối ASEAN.
Các nhà khoa học, các đại biểu tham dự Đại hội và Lễ kỉ niệm 35 năm thành lập VAPO đồng tình với các mục tiêu phát triển Hội và đóng góp nhiều ý xây dựng với mục tiêu đồng hành, phát triển trong nhiệm kỳ mới.
THÔNG BÁO TIN BUỒN
Thiệp chúc mừng năm mới 2023 của Chủ tịc...
Trao quyết định bổ nhiệm Giám đốc Trung ...