Hội thảo quốc tế "Đường thủy nội địa VN - Hội nhập và phát triển" do Cục Đường thủy nội địa VN phối hợp với Hội Cảng - Đường thủy - Thềm lục địa VN tổ chức sáng 8/8 tại Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 60 năm truyền thống ngành Đường thủy (11/8/1956-11/8/2016) thu hút sự quan tâm của hàng trăm chuyên gia trong nước và chuyên gia đến từ Bỉ, Canada.
Các đại biểu tham dự hội thảo
Tham dự hội thảo, có hơn 100 đại biểu từ 51 tổ chức trong và ngoài nước, bao gồm lãnh đạo và đại diện các Vụ chức năng của Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam, Cục Cảnh sát giao thông, Trung tâm Công nghệ thông tin, Viện Khoa học công nghệ GTVT, Viện Chiến lược và phát triển GTVT, Đại học Hàng hải, Đại học Giao thông vận tải, Tổng Công ty Đảm bảo An toàn hàng hải miền Nam, Hội Cảng - Đường thủy - Thềm lục địa Việt Nam, Hội An Toàn giao thông, Hội Vận tải thủy nội địa, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, các Hợp tác xã vận tải Rạch Gầm, Mùa Xuân, cảng Hải Phòng, ICD Phúc Lộc, Cty Vận tải Hà Tiên, các nguyên lãnh đạo Cục ĐTNĐ VN cùng với các cơ quan, đơn vị thuộc Cục, các Công ty cổ phần Quản lý đường thủy nội địa.
Về các đối tác quốc tế, có các đại biểu đến từ Đại sứ quán Hà Lan, Đại sứ quán Bỉ, cơ quan Hợp tác phát triển Nhật Bản (JICA), Bộ Giao thông công chính vùng Flander (Bỉ), các chuyên gia từ Bỉ, Canada, Ủy hội sông Mê Công quốc tế. Tham dự và điều hành hội thảo gồm có ông Lê Tuấn Anh – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ GTVT; ông Hoàng Hồng Giang – Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam; GS. TSKH. Nguyễn Ngọc Huệ, Chủ tịch Hội Cảng - Đường thủy - Thềm lục địa Việt Nam; TS. Phạm Xuân Dương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải; ông Trần Văn Thọ, Phó Cục trưởng Cục ĐTNĐ VN.
Ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục ĐTNĐ VN phát biểu khai mạc
Hội thảo này là cơ hội để các chuyên gia trong ngoài ngành nhìn lại chặng đường phát triển trong thời gian qua, trao đổi kinh nghiệm, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý chuyên ngành, đề xuất giải pháp phát triển vận tải thủy, tăng cường hội nhập quốc tế. Với ý nghĩa đó, hội thảo đã nhận được sự quan tâm của nhiều tổ chức, cá nhân.
Các ý kiến chuyên gia trong nước và quốc tế đều cho thấy, vận tải đường thủy không thể chỉ dựa vào điều kiện sông, kênh tự nhiên để tự phát triển mà cần có chính sách phát triển ổn định, mang tính bền vững.
Chủ đề chính được đặt ra là cần giải pháp nào để thúc đẩy nhanh sự phát triển vận tải thủy, hội nhập với quốc tế? Theo ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa, Việt Nam là 1 trong 10 nước có mạng lưới sông lớn nhất thế giới, có tiềm năng lớn phát triển giao thông nhưng đến nay đường thuỷ mới chiếm 18% thị phần vận tải hàng hóa toàn ngành. "Mục tiêu của đường thủy đạt tỷ trọng 20 - 30% (về tấn) hàng hóa, 7 - 10% về hành khách của toàn ngành GTVT. Tập trung tăng tỷ trọng hàng hóa vận chuyển đường dài, vận chuyển Bắc - Nam, vận chuyển hàng container, hàng siêu trường, siêu trọng, hàng liên vận quốc tế", ông Giang nói và cho biết thêm, đường thủy đang đứng trước cơ hội phát triển.
Từ kinh nghiệm phát triển vận tải thủy của Bỉ và châu Âu, ông Olivier Vandersnickt - đại diện Bộ Giao thông công chính Chính phủ vùng Flanders (Bỉ) nói: "Đường thủy là phương thức giao thông bền vững nhưng không dễ phát triển vì cần chi phí đầu tư lớn. Việt Nam đang phát triển nhanh và điều quan trọng là phải chọn được chính sách phát triển đường thủy. Cụ thể, Việt Nam cần quan tâm để có các nguồn vốn tài chính đầu tư từ quốc tế như EU, Ngân hàng Thế giới…".
Còn ông Sỹ Văn Khánh, nguyên Quyền Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN cho rằng, đường thủy luôn là "mảnh đất" màu mỡ nhưng vốn đầu tư quá ít, chưa bao giờ tới 3% tỷ trọng vốn đầu tư toàn ngành. "Các dự án đầu tư luồng tuyến đường thủy đã làm hoặc làm nữa, nếu không có kinh phí duy tu, bảo trì thì hiệu quả lại về bằng 0", ông Khánh nói và nhấn mạnh thêm: Cơ chế, chính sách đường thủy trước hết phải ổn định và có tính pháp lý cao để tạo sự phát triển.
"Hầu hết quy hoạch đường thủy từ trước đến nay chỉ do cấp Bộ ban hành, cần thiết phải có những văn bản do Thủ tướng, thậm chí Quốc hội ban hành để nâng tính pháp lý và hiệu lực hơn trong triển khai", ông Khánh đề xuất.
Trong khi đó, nguyên Phó cục trưởng Lê Hữu Khang cho rằng, đường thủy đang thiếu các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư cụ thể và điểm yếu cố hữu là tốc độ vận tải chậm khiến phương thức vận tải "door to door" (từ cửa đến cửa) bị hạn chế. "Trái cây được vận chuyển bằng xe ô tô từ miền Nam đến cửa khẩu biên giới phía Bắc. Tại sao đường thủy không có tàu chuyên dụng để chở? Điều này phụ thuộc vào cơ chế chính sách. Nếu không có giải pháp cụ thể sẽ không thể nào cạnh tranh được với đường bộ", ông Khang nói.
Trong 29 báo cáo tham luận, Ban tổ chức đã rà soát, lựa chọn 18 báo cáo tiêu biểu về các nội dung: Hội nhập và hợp tác quốc tế; Đào tạo nhân lực; Pháp chế chuyên ngành đường thủy nội địa; Quy hoach chỉnh trị sông; Ứng dụng kỹ thuật đo sâu đa tia; Đánh giá ảnh hưởng của các cầu có tĩnh không thấp; Giải pháp hạn chế tai nạn giao thông ĐTNĐ; Đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện; Lựa chọn loại tàu trên các tuyến VTT; Vận tải đồng bằng Nam bộ; Thúc đẩy vận tải container phía Bắc; Bảo vệ môi trường ĐTNĐ; Kế hoạch và Chiến lược phát triển VTT; Áp dụng PPP trong đường thủy; Hợp tác của WB và MRCs trong lĩnh vực đường thủy; Kinh nghiệm phát triển vận tải Châu Âu,..., 7 báo cáo trong số đó được trình bày tại hội nghị.
Các báo cáo tham luận
Cũng tại hội thảo, các chuyên gia, các nhà quản lý, doanh nghiệp vận tải thủy có rất nhiều chia sẻ, nhiều ý kiến, thể hiện những băn khoăn, trăn trở, và rất nhiều sự kỳ vọng đối với sự phát triển của ngành ĐTNĐ, qua đó có thể thấy sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân và của xã hội đối với lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa là rất lớn.
Rất nhiều vấn đề được nêu ra, gồm: chất lượng, hiệu lực pháp lý và hiệu quả của các quy hoạch, tiêu chuẩn phát triển ngành; việc xây dựng đập thủy điện trên sông; sự hạn chế về năng lực, trình độ của cán bộ ngành; hạn chế về cơ sở hạ tầng cản trở việc vận chuyển hàng từ cửa tới cửa (door to door); định hướng về cơ chế, chính sách nhằm điều chuyển hàng hóa từ đường bộ sang đường thủy, vận tải đa phương thức và logistics, bảo đảm an toàn giao thông, xã hội hóa về đào tạo,...
Đại biểu thảo luận thẳng thắn, tâm huyết
Thực tế, trong thời gian gần đây, cùng với xu thế đổi mới của đất nước Việt Nam, Đảng, Chính phủ và các ngành đã từng bước quan tâm và hỗ trợ phát triển lĩnh vực đường thủy. Có thể thấy rằng, chặng đường phía trước ngành đường thủy còn rất nhiều việc phải làm, nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội phát triển mới, hơn nữa đường thủy nội địa chỉ có thể phát triển trong chuỗi vận tải đa phương thức, và là một mắt xích quan trọng không thể tách rời. Do vậy, ngoài việc nghiên cứu các giải pháp phát triển vận tải thủy nói riêng, phải xem xét trong mối tương quan với các lĩnh vực vận tải khác như đường bộ, hàng hải, đường sắt.
Ông Trần Văn Thọ phát biểu bế mạc
Phát biểu bế mạc hội thảo, ông Trần Văn Thọ, Phó Cục trưởng Cục ĐTNĐ VN ghi nhận sự quan tâm của các đại biểu, và cam kết một số định hướng chính phát triển và hội nhập đường thủy nội địa, bao gồm: phát huy tính ưu việt của VTT từ vốn đầu tư ít, giá thành hạ, ít ô nhiễm nhằm tăng thị phần vận tải thủy, chú trọng vận tải container, hàng siêu trường, siêu trọng, vận tải ven biển, liên vận quốc tế; nâng cao năng lực cán bộ, nâng cao tính pháp lý và chất lượng các quy hoạch phát triển, đề xuất trình Chính phủ ban hành quy hoạch sửa đổi; tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin trong quản lý và hoạt động ngành; tăng cường kết nối giữa đường thủy và các phương thức vận tải khác tạo thành mạng lưới liên hoàn, thông suốt; xã hội hóa đầu tư về kết cấu hạ tầng, tập trung đầu tư các tuyến chính, cảng đầu mối, chú trọng giao thông vùng sâu vùng xa, góp phần xóa đói, giảm nghèo; phát triển GTVT thủy cân bằng 3 yếu tố "kinh tế - xã hội - môi trường"; chủ động tìm kiếm sự hợp tác và hỗ trợ của các đối tác quốc tế về đường thủy nội địa.
THÔNG BÁO TIN BUỒN
Thiệp chúc mừng năm mới 2023 của Chủ tịc...
Hội Cảng – Đường thủy – Thềm lục địa Việ...